Nồi cơm điện cao tần và nồi cơm điện tử là những dòng sản phẩm gia dụng hiện đại, tích hợp nhiều chức năng nấu ăn thông minh giúp người dùng chế biến ra nhiều món ngon chất lượng. Tuy nhiên, khi sử dụng các sản phẩm này người dùng có thể sẽ gặp một số lỗi và cần biết cách để khắc phục. Dưới đây, Sato chia sẻ đến bạn nguyên nhân và cách xử lý một số lỗi hay gặp ở nồi cơm điện cao tần và nồi cơm điện tử để giúp cho sản phẩm nhà bạn hoạt động hiệu quả và bền bỉ hơn nhé.
1. Hở mạch cảm biến dưới (lỗi E1)
Lỗi E1 này xảy ra ở cả 2 sản phẩm nồi cơm điện tử và nồi cơm điện cao tần, nguyên nhân là do hở mạch cảm biến dưới. Khi bị tụt giắc cắm (jack cắm) hoặc giắc cắm tiếp xúc không tốt tại vị trí mạch nguồn hoặc mạch công suất của dây cảm biến dưới (cảm biến nằm ở giữa mâm nhiệt hoặc mâm từ). Một lý do nữa là do hỏng cảm biến dưới hoặc do đứt dây nối của cảm biến dưới cũng gây ra lỗi E1.
=> Cách xử lý:
+ Kiểm tra giắc cắm của dây nối cảm biến dưới vào mạch công suất, nếu bị lỏng hoặc tụt giắc cắm thì cắm lại.
+ Dùng đồng hồ VOM vặn về thang đo điện trở 200KΩ để xác định hư hỏng của cảm biến dưới, bằng cách đo vào 2 chân giắc cắm của cảm biến, nếu đồng hồ không hiển thị trị số trong khoảng từ 30 ÷ 50KΩ thì cảm biến đã bị hư hỏng, tiến hành thay thế cảm biến dưới.
+ Nối lại dây bị đứt hoặc thay thế cảm biến dưới.
2. Chập cảm biến dưới (lỗi E2)
Chập cảm biến (NCT) xảy ra ở cả 2 dòng nồi cơm điện này, chập cảm biến dưới có thể là do hỏng cảm biến hoặc chập tại mạch nguồn hoặc mạch công suất.
=> Cách xử lý:
+ Dùng đồng hồ VOM vặn về thang đo điện trở 200KΩ để xác định hư hỏng của cảm biến dưới, bằng cách đo vào 2 chân jack cắm của cảm biến, nếu đồng hồ hiển thị trị số <1KΩ thì cảm biến đã bị hư hỏng, tiến hành thay thế cảm biến dưới.
+ Nếu kiểm tra cảm biến bình thường mà nồi vẫn báo lỗi E2 thì do mạch báo lỗi đang bị hư hỏng, cần chuyển sản phẩm về trung tâm bảo hành để được kiểm tra và xử lý.
3. Cảm biến dưới bị quá nhiệt (lỗi E3)
Khi nhiệt độ tại cảm biến dưới của nồi cơm điện tử và nồi cơm điện cao tần vượt quá 185ºC nồi sẽ báo lỗi E3 và ngừng hoạt động để bảo vệ sản phẩm.
=> Cách xử lý:
+ Do sản phẩm được cho hoạt động nhưng trong lòng nồi lại không có thực phẩm. Tiến hành ấn nút hủy và để nguội sản phẩm, sau đó sử dụng bình thường.
+ Do sản phẩm bị ép hoạt động liên tục ở chế độ nấu cơm cháy hoặc Pizza. Chỉ sử dụng tiếp sản phẩm khi nhiệt độ của sản phẩm hạ xuống ~ bằng nhiệt độ phòng.
+ Nếu sản phẩm hoạt động lần đầu trong ngày và đã có đủ thực phẩm bên trong lòng nồi mà vẫn báo lỗi E3, lúc này khả năng do mạch báo lỗi quá nhiệt bị lỗi, cần gửi về trung tâm bảo hành để được kiểm tra và xử lý.
4. Đứt cảm biến trên (lỗi E4)
Hở mạch cảm biến (NTC) trên của 2 loại nồi cơm này có thể do một trong các nguyên nhân chính sau:
+ Do tụt jack cắm hoặc jack cắm tiếp xúc không tốt tại vị trí khớp nối khu vực giá hộp thoát nước hoặc tụt jack cắm hoặc jack cắm tiếp xúc không tốt tại mạch nguồn hoặc mạch công suất của dây cảm biến trên (cảm biến nằm ở trên nắp của sản phẩm).
+ Đứt dây nối của cảm biến trên (thường phát hiện tại khu vực bản lề của nắp).
=> Cách xử lý:
+ Tiến hành kiểm tra và cắm lại khớp nối của dây cảm biến trên nắp, nếu nhận thấy khớp nối này không còn tốt, hãy tiến hành cắt khớp nối và nối trực tiếp 2 đầu dây và bọc gel lại cẩn thận.
+ Dùng đồng hồ VOM vặn về thang đo điện trở 200KΩ để xác định hư hỏng của cảm biến trên, bằng cách đo vào 2 chân jack cắm của cảm biến, nếu đồng hồ không hiển thị trị số trong khoảng từ 30 ÷ 50KΩ thì cảm biến đã bị hư hỏng, tiến hành thay thế cảm biến trên.
+ Khi kiểm tra phát hiện dây nối của cảm biến trên bị đứt có thể tiến hành nối lại và bọc gel cẩn thận hoặc thay thế cảm biến trên mới.
5. Chập cảm biến trên (lỗi E5)
Do nồi bị hỏng cảm biến trên hoặc chập tại mạch nguồn hoặc mạch công suất.
=> Cách xử lý:
+ Dùng đồng hồ VOM vặn về thang đo điện trở 200KΩ để xác định hư hỏng của cảm biến trên, bằng cách đo vào 2 chân jack cắm của cảm biến, nếu đồng hồ không hiển thị trị số <1KΩ thì cảm biến đã bị hư hỏng, tiến hành thay thế cảm biến trên.
+ Nếu kiểm tra cảm biến bình thường mà nồi vẫn báo lỗi E5 thì do mạch báo lỗi đang bị hư hỏng, cần chuyển sản phẩm về trung tâm bảo hành để được kiểm tra và xử lý.
6. Quá nhiệt cảm biến trên (lỗi E6)
Lưu ý: Từ lỗi E6 trở đi chỉ xuất hiện trên nồi cơm điện cao tần. Khi nhiệt độ tại cảm biến trên vượt quá 150ºC nồi sẽ báo lỗi E6 và ngừng hoạt động để bảo vệ sản phẩm.
=> Cách xử lý:
+ Khi nhiệt độ sản phẩm ~ bằng nhiệt độ phòng, dùng đồng hồ VOM vặn về thang đo điện trở 200KΩ để xác định hư hỏng của cảm biến trên, bằng cách đo vào 2 chân jack cắm của cảm biến, nếu đồng hồ hiển thị trị số < 10KΩ thì cảm biến đã bị hư hỏng tăng trị số, tiến hành thay thế cảm biến trên.
+ Nếu kiểm tra cảm biến bình thường mà nồi vẫn báo lỗi E6 thì do mạch báo lỗi đang bị hư hỏng, cần chuyển sản phẩm về trung tâm bảo hành để được kiểm tra và xử lý.
7. Lỗi IGBT (lỗi E7)
Khi sản phẩm báo lỗi E7 là khu vực IGBT hoặc bản thân IGBT đang có sự cố, sản phẩm không thể hoạt động được. Sự cố này cần phải gửi về công ty để hoặc người có chuyên môn mới có thể xử lý được.
8. Đứt cảm biến IGBT (lỗi E8)
Cảm biến nhiệt độ tại khu vực IGBT bị lỗi đứt hoặc hở mạch tại chân hàn cảm biến, sản phẩm sẽ báo lỗi E8 và không thể hoạt động được nếu không được xử lý. Sự cố này cần phải gửi về công ty để người có chuyên môn mới có thể xử lý được.
9. Quá nhiệt IGBT (lỗi E9)
Khi nhiệt độ tại IGBT vượt quá mức cho phép, mặt điều khiển sẽ báo lỗi E9, do một số nguyên nhân sau:
+ Quạt làm mát bị lỗi do bản thân quạt gió bị lỗi hoặc do quạt hút phải dị vật như tóc, chỉ…;
+ Do lỗi mạch cấp nguồn cho quạt làm mát;
+ Do tụt jack hoặc đứt dây nối của quạt làm mát;
+ Nhôm tản nhiệt bị dính quá nhiều bụi bẩn, làm giảm khả năng tản nhiệt cho IGBT;
+ Do mạch chức năng bị lỗi.
=> Cách xử lý:
+ Trường hợp khi tháo quạt ra nhưng không thấy có hiện tượng hút phải các dị vật như tóc, sợi chỉ,... mà cánh quạt vẫn có hiện tượng kẹt rít thì tiến hành thay thế quạt làm mát mới.
+ Trường hợp khi tháo quạt ra nhận thấy trục quạt sẽ bị quấn nhiều tóc hoặc chỉ khâu, nếu có thể hãy tiến hành tháo rời cánh quạt và vệ sinh sạch các dị vật quấn tại trục quạt, sau đó lắp lại và cho sản phẩm chạy để test hoặc tiến hành thay quạt làm mát mới.
+ Sau khi kiểm tra quạt làm mát hoạt động bình thường bằng nguồn cấp bên ngoài hoặc thay quạt mới vào rồi nhưng quạt vẫn không chạy hoặc có chạy nhưng vẫn báo lỗi E9, thì khả năng mạch cấp nguồn cho quạt đang bị lỗi, cần chuyển sản phẩm về trung tâm bảo hành để được kiểm tra và xử lý.
+ Cắm lại jack cắm của quạt tại mạch công suất.
+ Khi nhận thấy nhôm tản nhiệt cho IGBT bị bám quá nhiều bụi bẩn, phải tiến hành vệ sinh sạch nhôm tản nhiệt và tiến hành thử lại sản phẩm.
+ Khi đã thực hiện kiểm tra các bước bên trên mà sản phẩm vẫn báo lỗi E9 thì khả năng mạch báo lỗi của sản phẩm đang bị lỗi, cần chuyển sản phẩm về trung tâm bảo hành để được kiểm tra và xử lý.
10. Điện áp cao (lỗi F1)
Khi điện áp đầu vào vượt quá giới hạn 250VAC, mặt hiển thị sẽ báo lỗi F1 và ngừng hoạt động để bảo vệ sản phẩm. Trường hợp điện áp đầu vào không cao chỉ ~ 220VAC mà sản phẩm vẫn báo F1 thì do mạch chức năng bị lỗi, cần chuyển sản phẩm về trung tâm bảo hành để được kiểm tra và xử lý.
11. Không có lòng nồi (lỗi F2)
Nồi báo không có lòng nồi bên trong khi hoạt động hoặc mạch nhận lòng nồi bị lỗi.
=> Cách xử lý:
+ Khi không có lòng nồi mà sản phẩm được chọn để hoạt động, mặt hiển thị sẽ báo lỗi F2 kèm theo còi báo cho đến khi lòng nồi được đặt vào đúng vị trí bên trong sản phẩm thì mặt hiển thị sẽ ngừng báo lỗi và đi vào hoạt động bình thường ở chế độ đã chọn.
+ Khi đã có lòng nồi bên trong sản phẩm mà nồi vẫn báo F2 thì mạch nhận nồi đã bị lỗi, cần chuyển sản phẩm về trung tâm bảo hành để được kiểm tra và xử lý.
12. Điện áp thấp dưới 130VAC (lỗi F3)
Khi điện áp đầu vào thấp quá giới hạn 130VAC, mặt hiển thị sẽ báo lỗi F3 và ngừng hoạt động để bảo vệ sản phẩm, nếu điện áp đầu vào không thấp mà sản phẩm vẫn báo F3 thì do mạch chức năng bị lỗi.
=> Cách xử lý:
+ Khi điện áp đầu vào <130VAC, mặt hiển thị sẽ báo lỗi F3 và ngừng hoạt động để bảo vệ sản phẩm. Để sản phẩm hoạt động bình thường, cần sử dụng ổn áp để ổn định dải điện áp từ 190 ÷ 230VAC.
+ Trường hợp điện áp đầu vào ~ 220VAC mà sản phẩm vẫn báo F3 thì do mạch chức năng bị lỗi, cần chuyển sản phẩm về trung tâm bảo hành để được kiểm tra và xử lý.
Trên đây Sato đã giới thiệu đến bạn một số lỗi cơ bản thường gặp ở nồi cơm điện tử và nồi cơm điện cao tần mà người dùng nên nắm rõ để có cách xử lý phù hợp nếu chiếc nồi nhà mình gặp phải các lỗi trên nhằm kéo dài tuổi cho cho sản phẩm của gia đình.
Bếp từ là sản phẩm gia dụng thông minh giúp người dùng nấu ăn cực nhanh mà không gây ra nóng nực trong gian bếp. Tuy nhiên, khi sử dụng bếp có thể gặp phải một số hiện tượng lỗi.
Bếp từ đôi là một trong những thiết bị gia dụng thông minh, được nhiều gia đình lựa chọn sử dụng hiện nay. Tuy nhiên, khi mua sản phẩm về thì nhiều người vẫn không biết cách lắp đặt bếp sao cho chính xác và sử dụng bền lâu.
Quạt sưởi điện là sản phẩm hay được sử dụng vào mùa đông lạnh giá, giúp sưởi ấm không gian phòng, nhất là đối với gia đình có người lớn tuổi và trẻ nhỏ.
Hiện nay, bếp từ đang là một trong những loại bếp thông minh giúp cho việc nấu nướng của các bà nội trợ trở nên dễ dàng hơn so với các loại bếp truyền thống.
Copyright © 2020 SATO VIỆT NHẬT.